KỸ THUẬT CHĂM SÓC CỎ VA06 TRONG MÙA MƯA

Có rất nhiều loại cỏ cao sản đã được trồng, tuy nhiên hai loại cỏ được khuyến khích trồng nhiều nhất vì hàm lượng dinh dưỡng cao, dễ trồng, chăm sóc đó là giống cỏ Ghinê hay còn gọi là cỏ sả và cỏ Va06 bà con vẫn thường gọi là cỏ Voi .

Hiện nay do giá trị về hàm lượng dinh dưỡng và cho năng suất cao liên tục trong 10 năm nên Va06 là loại cỏ được bà con chọn trồng nhiều nhất. Va06 là giống cỏ được lai tạo giữa giống cỏ Voi quen thuộc của Việt Nam với giống cỏ đuôi Sói ở Châu Mỹ, cây lai có những tính vượt trội ngay năm đầu tiên đã có thể đạt năng suất từ 225 đến 375 tấn/ha, tới năm thứ 2 năng suất có thể đạt tới 480 tấn/ha. Thời gian trồng thích hợp là từ tháng 2 đến tháng 5, thu hoạch từ tháng 6 đến tháng 11. Nếu mùa khô chủ động được nước tưới thì có thể thu hoạch quanh năm, chu kỳ kinh tế của cỏ Voi là 3 đến 4 năm, tức là trồng 1 lần thua hoạch được 3 đến 4 năm, nếu chăm sóc tốt có thể cho năng suất cao trong 10 năm liền.

Giống cỏ VA06

Cỏ Va06 dễ trồng , không tốn nhiều chi phí và công chăm sóc

Hình dáng của cỏ Va06 cũng giống với cỏ Voi, thân giống cây mía, thuộc thân thảo, mọc thẳng, chiều cao trung bình 4 đến 5 mét, dạng cây bụi, đường kính thân cây từ 2-3cm, phiến lá rộng, mềm, hàm lượng dinh dưỡng cao, trong đó có tới 17 loại axit amin và nhiều loại vitamin cần cho cơ thể của vật nuôi.

Cỏ Va06 có thể dùng cho trâu bò ăn tươi hoặc làm thức ăn ủ chua, thức ăn hong khô hoặc nghiền ra làm bột cỏ khô để cho gia súc ăn dần. Với đặc điểm về hàm lượng dinh dưỡng cao nên Va06 là loại cỏ được trồng phổ biến nhất. Hiện nay trồng cỏ nuôi bò không chỉ đáp ứng được nguồn thức ăn xanh giàu dinh dưỡng cho bò mà còn là hướng đi đem lại hiệu quả trong phát triển kinh tế của nhiều bà con nông dân.

Cỏ Va06 lại dễ trồng , không tốn nhiều chi phí và công chăm sóc, việc trồng cỏ nuôi bò vỗ béo đem lại nhiều lợi ích kinh tế cho bà con. Bà con có thể tận dụng lượng phân bón trong chuồng nuôi ủ hoai mục để sử dụng làm phân bón cho cỏ, vừa tiết kiệm chi phí trong việc sử dụng phân bón vừa bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng phân hóa học. Tuy nhiên, khi ủ phân bò để đem bón cho cỏ Va06 bà con cần thường xuyên kiểm tra, khi thấy phân đã hoai mục đạt tiêu chuẩn mới đem bón cho cỏ. Quá trình bón bà con nên bón rải theo từng hàng, chỉ bón khi thời tiết có mưa đều, đất đủ ẩm.

Nói chung để đạt được năng suất cao và cho thu hoạch thời gian dài khoảng 10 năm thì việc bón phân bổ sung dinh dưỡng hợp lý cho cỏ Va06 rất quan trọng do đó bà con cần lưu ý:

  • Nên bón lót trước khi trồng bằng phân chuồng ủ hoai để tạo độ mùn và chất dinh dưỡng trong đất.
  • Sau khi trồng từ 25-30 ngày cỏ đã lên mầm, bén rễ, sau mỗi lứa cắt 7-10 ngày nên dùng nước phân chuồng loãng để tưới giúp cây phát triển nhanh.
  • Muốn có năng suất cao phải bón thúc nhiều lần để cây đẻ sớm, đẻ khỏe và sinh trưởng nhanh.
  • Lượng phân bón thúc từ 2,5-3kg urê/lứa cắt.
  • Có thể sử dụng phân chuồng ủ hoai để bón thúc nhưng phải cách thời gian bón phân hóa học ít nhất 15-20 ngày.
  • Làm sạch cỏ dại 2-3 lần trước khi cỏ phủ kín đất, kết hợp bón mỗi hốc 25g đạm urê và vun gốc để tránh đổ vì đây là thời kỳ cỏ phát triển nhanh nhất.
  • Sau mỗi lần thu hoạch làm cần làm sạch cỏ dại, vun gốc và bón thêm phần chuồng, phân urê thúc cho cỏ để tăng năng suất.

Thường cỏ Va06 phát triển tốt trên nhiều loại đất, ít bị sâu bệnh hại. Tuy nhiên do quá trình thâm canh nên các loại sâu bệnh hại như sâu đục thân, bệnh đốm nâu, khô vằn. Để hạn chế sâu bệnh hại, việc thăm đồng thường xuyên là biện pháp tốt nhất bà con nên làm. Thường thì vào mùa mưa lượng mưa nhiều, đất ẩm bà con lại bón quá nhiều urê, lượng phân bón không cân đối hoặc do ngập úng lâu ngày cỏ sẽ bị nhiễm bệnh đốm nâu hay còn gọi là bệnh đạo ôn do nấm henninsopium gây ra. Vết bệnh có hiện tượng lá ở gốc xuất hiện các nốt đốm nâu ở giữa, xung quanh màu vàng giống bệnh đạo ôn trên lúa sau đó lan dần ra hết lá. Để khắc phục bệnh đạo ôn trên cỏ Va06 nếu cây đã đến tuổi thu hoạch thì cắt sát gốc sau đó tiến hành phun các loại thuốc gốc đồng. Sau mỗi lần phun thuốc bà con cần chú ý khoảng 10-14 ngày bà con mới tiếp tục thu hoạch cỏ cho bò ăn. Riêng với bệnh nấm bà con cần quan sát kỹ vườn cây vì bệnh nấm thường hay bị ở thân cây có thể lan đến phần lá, nếu không phát hiện và phòng trừ kịp thời thì sẽ lây ra toàn vườn. Khi bệnh xuất hiện ở mức độ nhẹ bà con nên cắt bỏ cây bệnh, cắt sát gốc và loại bỏ khỏi vườn. Khi bệnh nặng nên sử dụng thuốc phun đều trên toàn vườn, sau 7-10 ngày thì tiến hành kiểm tra lại để tránh bệnh vẫn còn trên thân và tiếp tục phát triển.

Nói chung việc trồng cỏ nuôi bò vỗ béo đem lại nhiều lợi ích kinh tế cho bà con, bà con có thể tận dụng lượng phân bò trong chuồng nuôi ủ hoai mục để sử dụng làm phân bón cho cỏ, vùa tiết kiệm được chi phí trong việc sử dụng phân bón vừa bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng phân hóa học. Không những vậy trồng cỏ cao sản sẽ giúp bà con chủ động được nguồn thức ăn trong chăn nuôi bò, đảm bảo nguồn thức ăn sạch đầy đủ về dinh dưỡng cho bò, nhất là trong chăn nuôi bò sữa, bò vỗ béo. Việc trồng cỏ để đảm bảo nguồn thức ăn và cung cấp đầy đủ lượng dinh dưỡng cần thiết cho bò và còn giúp bà con tiết kiệm được thời gian, công sức. Bò được vỗ béo sẽ tăng được lượng thịt, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người chăn nuôi.

 

TÓM LẠI TRONG CHĂM SÓC CỎ VA06 TRONG MÙA MƯA VÀ MÙA KHÔ BÀ CON CẦN LƯU Ý:

  • Đảm bảo đất sạch mầm bệnh, sạch cỏ.
  • Nếu bón mới cần bón lót bằng phân chuồng để tạo độ mùn và chất dinh dưỡng trong đất.
  • Trồng với khoảng cách hàng cách hàng 40-60cm để tiện cho việc chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh.
  • Sau khi trồng từ 25-30 ngày cỏ đã lên mầm, bén rễ, sau mỗi lứa cắt 7-10 ngày nên dùng nước phân chuồng loãng để tưới giúp cây phát triển nhanh.
  • Muốn có năng suất cao phải bón thúc nhiều lần để cây đẻ sớm, đẻ khỏe và sinh trưởng nhanh.
  • Sau mỗi lần thu hoạch làm sạch cỏ dại, vun gốc và bón thêm phân chuồng, phân urê thúc cho cỏ để tăng năng suất.
  • Khi cỏ nhiễm các loại sâu bệnh hại như: sâu đục thân, bệnh đốm nâu nấm…tiến hành phun thuốc trừ sâu và các loại thuốc gốc đồng.
  • Thường xuyên thăm vườn để phát hiện sớm và có biện pháp phòng trừ kịp thời.

Như vậy, việc trồng và chăm sóc cỏ Va06 không khó và không tốn nhiều công chăm sóc. Bà con nên thường xuyên thăm vườn để có biện pháp bổ sung dinh dưỡng hợp lý, phòng trừ sâu bệnh hại kịp thời để đảm bảo nguồn thức ăn trong chăn nuôi bò. Chủ động đảm bảo nguồn thức ăn xanh, tươi và giàu dinh dưỡng cần thiết cho bò giúp bà con tiết kiệm được thời gian, công sức. Bò được vỗ béo sẽ tăng được lượng thịt, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế tăng thu nhập cho bà con.